Chuyển phôi là bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất vì nó chiếm 60-70% tỷ lệ thành công của một quy trình thụ tinh trong ống nghiệm – IVF. Hãy cùng IVF Việt Âu tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Chuyển phôi là gì?
Kỹ thuật chuyển phôi xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Đây là một bước quan trọng trong một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm. Trong đó, trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh được nuôi cấy phát triển thành phôi. Trong quá trình điều trị và theo dõi, nếu sức khỏe người mẹ tốt, đáp ứng đủ điều kiện về niêm mạc (độ dày niêm mạc đạt chuẩn thích hợp cho việc làm tổ của phôi là 9 – 10 mm thường vào ngày 18 – 20 chu kỳ kinh nguyệt) thì có thể thực hiện chuyển phôi vào tử cung.
2. Lợi ích của việc chuyển phôi
Chuyển phôi trữ có thể giúp cho các cặp vợ chồng chuẩn bị thời gian, thu xếp công việc, tiền bạc,…Trước khi quá trình chuyển phôi diễn ra bệnh nhân có thời gian để chuẩn bị lớp niêm mạc tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm tổ của phôi. Ngoài ra có một số lợi ích khác như:
- Cơ hội mang thai: có nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên và trong một số trường hợp họ đã thử nhiều phương pháp điều trị sinh sản trước khi thực hiện IVF như thuốc hỗ trợ sinh sản hay bơm IUI (bơm tinh trùng vào tử cung),… Tuy nhiên, một số chẩn đoán vô sinh cụ thể như tắc ống dẫn trứng, yếu tố vô sinh nam nghiêm trọng, dự trữ buồng trứng giảm hoặc tuổi mẹ cao (thường trên 38 tuổi) có thể khiến các bác sĩ khuyên thực hiện IVF để điều trị sinh sản và bước chuyển phôi là bước cuối cùng trong một chu kỳ IVF.
- Kiểm soát thời gian mang thai: Trứng và phôi có thể được đông lạnh để sử dụng sau này, điều này cho phép cha mẹ lựa chọn thời điểm thích hợp để mang thai. Với việc chuyển phôi, các bà mẹ cũng có thể lên kế hoạch giãn cách giữa các lần mang thai tiếp theo, giúp cha mẹ chuẩn bị cho sự chào đời của đứa con tiếp theo một cách hiệu quả.
- Giảm rủi ro bệnh di truyền: thông qua xét nghiệm di truyền tiền làm tổ giúp xác định các bất thường về di truyền của phôi, từ đó bác sĩ có thể lựa chọn những phôi tốt, hạn chế các bệnh di truyền có thể đe dọa sức khỏe như xơ nang, hội chứng Down, hội chứng Turner,…
3. Quy trình chuyển phôi
Sau một thời gian chuẩn bị niêm mạc, khi hình thái và độ dày niêm mạc đủ điều kiện cho việc làm tổ của phôi, người mẹ sẽ được hẹn lịch chuyển phôi. Quá trình chuyển phôi diễn ra ngắn, chỉ kéo dài vài phút và thường không cần gây mê. Mặc dù không gây đau nhưng có thể hơi khó chịu khi đưa mỏ vịt vào âm đạo hoặc khi ống thông đi qua cổ tử cung.
Một quy trình chuyển phôi tươi thông thường sẽ gồm các bước:
- Tại phòng Labo, các chuyên viên phôi học sẽ load phôi vào Catheter chuyên dụng. Ngay sau đó, Catheter chuyên dụng có chứa phôi sẽ được đưa vào phòng thủ thuật – phòng thực hiện chuyển phôi ngay khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng
- Bác sĩ sẽ đưa ống thông có chứa phôi qua Catheter đã được chuẩn bị vào buồng tử cung.
- Khi Catheter trong chứa phôi nằm đúng vị trí, phôi sẽ được đặt vào buồng tử cung và có thể quan sát qua màn hình siêu âm. Tuy nhiên do phôi quá nhỏ để nhìn thấy trên màn hình siêu âm nên chỉ có thể thấy những giọt môi trường chứa phôi được bơm qua Catheter và đặt phôi vào vị trí an toàn trong buồng tử cung
- Chuyên viên phôi học kiểm tra lại Catheter chứa phôi dưới kính hiển vi với độ phóng đại cao để xác nhận rằng phôi đã được chuyển.
- Quá trình chuyển phôi hoàn tất, các dụng cụ sau đó sẽ được vệ sinh làm sạch và mang đi hấp tiệt trùng.
Đối với chuyển phôi đông lạnh, phôi sẽ được các chuyên viên chuẩn bị môi trường trước để thực hiện thao tác rã đông phôi trước và sau đó quy trình chuyển phôi đông lạnh sẽ diễn ra tương tự như chuyển phôi tươi. Số lượng phôi rã đông hay phôi tươi để chuyển sẽ được cân nhắc để đảm bảo mang lại tỷ lệ thành công cao nhất và nguy cơ đa thai thấp nhất.
4. Các lưu ý trước và sau khi chuyển phôi
Việc lưu ý về chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hay ăn uống điều độ, đúng cách cũng là một bước để giúp tăng tỷ lệ thành công cho việc mang thai của quá trình chuyển phôi trong IVF.
Trước khi chuyển phôi
- Vợ chồng sẽ được lễ tân hướng dẫn những giấy tờ và thủ tục cần thiết cho ngày chuyển phôi.
- Đội ngũ điều dưỡng của Trung tâm HTSS Việt Âu hướng dẫn sử dụng thuốc và một số vấn đề liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho ngày chuyển phôi.
- Vào thời gian trước chuyển phôi khoảng 1-2 tiếng, người vợ sẽ được hướng dẫn uống nước để đảm bảo bàng quang có đầy nước. Việc bàng quang chứa đầy nước sẽ giúp thay đổi góc của tử cung để việc chuyển phôi dễ dàng hơn và giúp bác sĩ nhìn rõ Catheter chuyên dụng (đường dẫn phôi) bằng siêu âm bụng để đưa phôi vào tử cung một cách tốt nhất.
- Trước khi vào phòng chuyển phôi, người vợ sẽ được hướng dẫn thay một bộ đồ thủ thuật nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh và thuận tiện cho quy trình chuyển phôi vào buồng tử cung.
Sau khi chuyển phôi
- Sau khi chuyển phôi người vợ sẽ được nằm nghỉ 1 – 2 tiếng để theo dõi.
- Khi mọi thứ ổn định bác sĩ sẽ cho về nhà. Trong thời gian này, người vợ có thể vận động, đi lại bình thường và không nên làm việc gắng sức, không vận động hay chơi các môn thể thao nặng, ăn uống đầy đủ,…Đặc biệt, không nên lo lắng, suy nghĩ nhiều dẫn đến tình trạng căng thẳng.
- Nếu xuất hiện các triệu chứng như: chảy máu âm đạo, đau bụng, sốt cao,…có thể liên hệ với đội bác sĩ và điều dưỡng để được hướng dẫn, tư vấn thêm.
- Việc thử thai sớm (4-5 ngày sau chuyển phôi) có thể cho kết quả dương tính giả do tồn dư lượng thuốc hỗ trợ sinh sản có chứa HcG được sử dụng trong quy trình thụ tinh ống nghiệm. Vì vậy, để có kết quả chính xác nhất với phương pháp sử dụng que thử thì thời điểm tốt nhất là 14 ngày sau chuyển phôi.
5. Các rủi ro có thể gặp phải khi chuyển phôi
Rủi ro có thể gặp khi chuyển phôi rất thấp, phần lớn nó đến từ việc tăng kích thích nội tiết hình thành huyết khối tĩnh mạch và gây tắc nghẽn mạch máu
Mặc dù chuyển phôi là bước quan trọng nhất trong IVF nhưng không phải lúc nào chuyển phôi cũng có khả năng mang thai (tỷ lệ chuyển phôi thành công trên thế giới từ 30% – 40%). Bạn cần giữ cho mình một tâm lý thoải mái và nghe theo lời dặn của bác sĩ để có được kết quả tốt nhất.
Khả năng đa thai là rủi ro lớn nhất trong sau chuyển phôi. Theo thống kê tỷ lệ đa thai của thụ tinh ống nghiệm – IVF cao gấp 20 lần (25%) so với tỷ lệ đa thai ở phụ nữ mang thai tự nhiên. Việc đa thai (2 thai trở lên) có thể gây nguy hiểm rất lớn cho mẹ và em bé trong suất quá trình thai kỳ. Bạn nên cần nghe lời khuyên và tư vấn rủi ro của bác sĩ trước khi quyết định chuyển 2 phôi trở lên.
Trên đây là bài viết chi tiết về chuyển phôi. Nếu còn bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào hãy liên hệ cho IVF Việt Âu hoặc gọi qua hotline 0835.215.115 để được tư vấn và giải đáp nhé!
Địa chỉ: Tầng 3, Nhà E, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt, Đường Nguyễn Tất Thành, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
Hotline: 0835.215.115
Website: ivfvietau.vn
Fanpage: Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Việt Âu – Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt