Hội chứng Klinefelter là một vấn đề di truyền phổ biến đối với các rối loạn nhiễm sắc thể giới tính, chiếm khoảng 2/3 số trường hợp bất thường nhiễm sắc thể ở nam giới gặp hiếm muộn. Liệu những người mắc phải hội chứng này có thể có con và sinh con khỏe mạnh được không? Đây là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân quan tâm, hãy cùng IVF Việt Âu tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.
1. Hội chứng Klinefelter là gì?
Hội chứng Klinefelter (KS) là rối loạn nhiễm sắc thể giới tính phổ biến nhất với karyotype 47(XXY), khoảng 1/500 bé trai sinh sống. Trong đó lỗi không phân tách trong quá trình phát sinh giao tử đã cung cấp thêm nhiễm sắc thể X cho bệnh nhân.
Các biến thể của hội chứng Klinefelter – KlinefelterSyndrome (KS) có chung đặc điểm của suy sinh dục nguyên phát nhưng có nhiều đặc điểm về sinh lý, bệnh lý và tâm lý hơn.
Dạng cổ điển (47, XXY) của hội chứng Klinefelter chiếm 80-90% các trường hợp, trong khi các dạng lệch bội khác chiếm 10 – 20% còn lại, bao gồm thể khảm, thể lệch bội cấp cao hơn và bất thường nhiễm sắc thể X. Trong số các dạng biến thể hội chứng Klinefelter cao hơn (48, XXYY) xảy ra với tỷ lệ 1:18000 – 1:40000 bé trai sơ sinh, (49, XXXXY) xảy ra ở 1:85000 – 1:100000 và (48, XXXY) xảy ra ở 1:50000.
2. Tỷ lệ mắc hội chứng Klinefelter
Hội chứng Klinefelter là thể lệch bội nhiễm sắc thể phổ biến nhất ở nam giới vô sinh do bị suy tinh hoàn, với tỷ lệ 10% ở nam giới vô tinh và 0,7% ở nam giới thiểu tinh. Theo một nghiên cứu gần đây từ Trung Đông, tỷ lệ mắc hội chứng Klinefelter ở những bệnh nhân bị vô tinh và thiểu tinh nặng là 3,7% điều này cho thấy có thể sắc tộc cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc.
Theo các báo cáo, chỉ 12% trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter được chuẩn đoán trước sinh, trong khi 25% trường hợp được phát hiện trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Thật không may, khoảng 65% bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter sẽ không được chuẩn đoán trong suốt cuộc đời của họ.
3. Cơ sở di truyền của hội chứng Klinefelter
Biến thể 47, XXY đã được nghiên cứu rộng rãi. Các nghiên cứu phân tử trước đây cho thấy phần lớn các trường hợp trisomy (thể tam bội) ở người chủ yếu bắt nguồn từ các lỗi của quá trình giảm phân.
Trong quá trình phát sinh giao tử ở cả nam và nữ, quá trình phân chia các tế bào chuyên biệt cấp cao xảy ra, bao gồm một chu kỳ sao chép DNA, sau đó là hai giai đoạn phân chia tế bào khác bao gồm giảm phân I và II, tạo ra các giao tử đơn bội. Các cặp nhiễm sắc thể tương đồng tiếp hợp với nhau trong kỳ đầu của giảm phân I. Kết quả là, các điểm bắt chéo được hình thành tại các vị trí trao đổi. Các điểm bắt chéo này thể hiện các chức năng rất quan trọng trong việc phân chia ở giảm phân I.
Trong các trường hợp hội chứng Klinefelter, thể tam bội có nguồn gốc từ cha chiếm khoảng 53,2%. Trong các trường hợp hội chứng Klinefelter thể tam bội có nguồn gốc từ mẹ thì sai sót có thể xuất hiện từ giảm phân I là 34,4% và giảm phân II là 9,3% hoặc lỗi phân bào sau khi hợp tử đã hình thành là 3,4%.
Bên cạnh đó, tuổi của người mẹ là một trong những nguy cơ đã được chứng minh đối với việc mắc hội chứng Klinefelter, tần suất mắc tăng gấp 4 lần nếu người mẹ trên 40 tuổi. Ngược lại, các nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan như vậy với tuổi người cha.
4. Ảnh hưởng của hội chứng Klinefelter đối với tinh trùng và nội tiết tố
Vô sinh là một trong những dấu hiệu nổi bật của hội chứng Klinefelter, báo cáo mô tả đầu tiên của bệnh là từ năm 1942. Hầu hết các bệnh nhân đều được ghi nhận bị vô tinh. Tuy nhiên, có báo cáo chỉ ra rằng tinh trùng có thể được phát hiện trong tinh dịch nam giới mắc hội chứng Klinefelter.
Những nam giới mắc hội chứng Klinefelter có thể có biểu hiện suy giảm dần quá trình sinh tinh. Các nghiên cứu cho thấy, quá trình sinh tinh tương đối nguyên vẹn trong thời kỳ sơ sinh và thời kỳ đầu tuổi vị thành niên, quá trình hyalin hóa sẽ tiến triển theo tuổi, dẫn đến nét đặc trung về hội chứng Klinefelter ở nam giới trưởng thành. Trong một báo cáo lâm sàng, một nam giới 34 tuổi bị mắc hội chứng Klinefelter đã bị vô tinh nhưng trước đó anh chỉ bị thiểu nhược tinh và có thể sinh con.
Về chức năng nội tiết tố của nam giới mắc hội chứng Klinefelter dường như tương tự như những người khỏe mạnh cho đến tuổi dậy thì. Các nhà khoa học đã nhận định trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục của họ hoạt động bình thường trong thời thơ ấu và giai đoạn sớm của dậy thì, cho phép các đặc điểm giới tính phụ phát triển. Tuy nhiên, đến giai đoạn muộn của tuổi dậy thì, FSH và LH bắt đầu tăng lên trên mức bình thường với sự suy giảm đồng thời của testosterone, dẫn đến biểu hiện mắc hội chứng Klinefelter.
Những người khác nhau có thể biểu hiện với các cấu hình nội tiết và các đặc điểm kiểu hình khác nhau.
Đối với các hormone khác, Inhibin B dường như nằm trong mức bình thường ở bé trai trước tuổi dậy thì và tăng mạnh trước khi bắt đầu dậy thì, nhưng giảm mạnh dần ở giai đoạn muộn của tuổi dậy thì và tuổi trường thành. Nồng độ Estrogen huyết thanh tăng cao ở trẻ em trai bị hội chứng Klinefelter, đặc biệt là trước 12 tuổi, so với trẻ em khỏe mạnh.
5. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng Klinefelter
Giữa nam giới mắc hội chứng Klinefelter ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành có sự khác biệt lớn về biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân thường gặp phải các thách thức trong học tập và hành vi ở độ tuổi còn trẻ. Ngược lại, thiếu hụt Androgen và vô sinh là những biểu hiện phổ biến ở nam giới trưởng thành.
Các biểu hiện lâm sàng khác của bao gồm tầm vóc cao lớn đặc trưng do sự cốt hóa chậm đầu xương thứ phát sau suy sinh dục. Điều này cùng với việc giảm khoáng hóa xương và loãng xương, khiến bệnh nhân có nguy cơ cao bị gãy xương. Ngoài ra, có sự giảm khối lượng cơ với sự gia tăng lắng đọng chất béo trong cơ thể.
Bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter có nguy cơ nhiều bệnh đi kèm. Hội chứng chuyển hóa được tìm thấy ở 44% bệnh nhân so với 10% ở người bình thường.
Tương tự, các báo cáo cho thấy bệnh đái tháo đường xảy ra ở 50% bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter, cùng với sự gia tăng Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và giảm Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), do đó tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim.
Một bệnh lý tim mạch khác thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter là sa van hai lá, với tỷ lệ mắc bệnh là 55% so với 6% ở người bình thường.
Bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter cũng có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác nhau, cụ thể là ung thư vú, u Lympho không Hodgkin và ung thư phổi.
6. Điều trị bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter
Quản lý suy sinh dục
Suy sinh dục nguyên phát là kết quả nội tiết tố của hội chứng Klinefelter. Suy sinh dục thường đến khi bắt đầu dậy thì mới biểu hiện ra. Tuy nhiên, sự khởi phát của thiếu hụt Androgen là khác nhau ở nam giới mắc hội chứng Klinefelter.
Liệu pháp thay thế Testosterone có giá trị trong việc cải thiện các triệu chứng của thiếu hụt nội tiết tố Androgen.
Hiện nay Testosterone sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của suy sinh dục. Do đó, nam giới mắc hội chứng Klinefelter được khuyến cáo nên dùng liệu pháp Testosterone. Hiện tại, không có quy trình cụ thể cho Testosterone trên bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter. Ngoài ra, không có thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng lớn nào về vấn đề này.
Có nhiều dạng dược phẩm khác nhau của Testosterone, bao gồm uống, thẩm thấu qua da và tiêm bắp. Các chế phẩm khác nhau đã được sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau, báo cáo hiệu quả của nó ở những nam giới bị suy sinh dục.
Testosterone được coi là phương pháp điều trị chính cho nam giới mắc hội chứng Klinefelter thiếu hụt androgen. Phương pháp điều trị này tương đối an toàn với rất ít tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo.
Quản lý khả năng sinh sản
Các nghiên cứu cho thấy dịch vụ chăm sóc bệnh nhân hội chứng Klinefelter nên được phu trách bởi một nhóm các bác sĩ đa ngành, bởi không chỉ tập trung vào các vấn đề vô sinh mà còn ở các vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe tổng thế bệnh nhân.
Hiện nay, nam giới hiếm muộn có cơ hội có con nhờ áp dụng rộng rãi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART). Hầu hết những nam giới mắc hội chứng Klinefelter là không có tinh trùng trong tinh dịch, do đó cơ hội có con của họ thông qua việc lấy tinh trùng và sử dụng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
Các bậc cha mẹ có kế hoạch sinh con nên được tư vấn về những hậu quả tiềm ẩn của phương pháp này vì khả năng di truyền bất thường nhiễm sắc thể cho con cái của họ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nam giới có bất thường nhiễm sắc thể giới tính có nguy cơ thấp hoặc không tăng nguy cơ sinh ra con với những bất thường tương tự sau ICSI.
Con cái sinh ra từ nam giới mắc hội chứng Klinefelter chưa hẳn có nguy cơ dị bội cao hơn nam giới bình thường. Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) là một biện pháp phòng ngừa hợp lý đối với bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter.
Trước khi xuất hiện phương pháp ICSI, khả năng sinh sản đối với nam giới mắc hội chứng Klinefelter dường như là một sự vô vọng. Việc sử dụng ICSI là một bước đột phá lớn trong điều trị vô sinh nam nói riêng và vô sinh nói chung .Thông qua ICSI, tinh trùng có ở tinh hoàn hoặc rất ít ở tinh dịch có thể được sử dụng để giúp những bệnh nhân có con.
Đồng thời việc bảo quản lạnh tinh trùng trong tinh dịch hoặc tinh trùng từ tinh hoàn được đề xuất như một phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở thanh niên mắc hội chứng Klinefelter. Hạn chế của phương pháp này là hầu hết các trường hợp được chẩn đoán muộn, sau khi bệnh nhân tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ sinh sản và phải áp dụng thủ thuật xâm lấn tinh toàn để lấy tinh trùng.
Tinh trùng được lấy từ tinh hoàn thông qua các kỹ thuật khác nhau hiện là quy trình được khuyến nghị để lấy tinh trùng cho ICSI. Kỹ thuật lấy tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (Micro – TESE) được thực hiện từ năm 1999 đến nay đã cho thấy sư khác biệt đáng kể về khả năng thu hồi tinh trùng (SRR) so với các kĩ thuật khác.
Hội chứng Klinefelter là hiện tượng sai lệch nhiễm sắc thể X thường gặp nhất gây suy sinh dục và vô sinh nam. Mặc dù không thể sửa chữa những biến đổi nhiễm sắc thể song điều trị hội chứng Klinefelter cũng phần nào giúp cải thiện khả năng có con của nam giới mắc bệnh cũng như tiềm ẩn khi sinh con. Hy vọng rằng thông qua bài viết của IVF Việt Âu, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế, nguồn gốc cũng như nguyên nhân và khả năng điều trị của hội chứng Klinefelter
Địa chỉ: Tầng 3, Nhà E, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt, Đường Nguyễn Tất Thành, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
Hotline: 0835.215.115
Website: ivfvietau.vn
Fanpage: Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Việt Âu – Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt